Skip to content

Watanabe Shinichiro đặt cạnh Ikuhara Kunihiko & những chuyến vận tải văn hóa cho anime

08.05.2019
watanabe ikuhara cover

Trong danh sách anime mùa xuân 2019 có một điểm lý thú: sự cùng lúc quay trở lại làng phim truyền hình của hai đạo diễn tài danh Watanabe Shinichiro và Ikuhara Kunihiko, qua hai tác phẩm là Carole & TuesdaySarazanmai. Xem anime mùa xuân, vì thế, đã đẩy khán giả như mình vào tình huống xưa nay hiếm thấy, đó là đặt một phim Watanabe cạnh một phim Ikuhara, rồi so sánh những điểm tương đồng và dị biệt giữa hai tên tuổi lớn này.

Về điểm chung, cả hai ông đều là đạo diễn kiêm tác giả nội dung, đều ham đầu tư cho những phim nguyên tác, và đều vang danh qua một tác phẩm kinh điển của thập niên 90 – Ikuhara có Shoujo Kakumei Utena (1997), Watanabe có Cowboy Bebop (1998). Nếu Ikuhara muốn kiểm soát tổng thể của tác phẩm đến độ lãnh luôn vai trò đạo diễn âm thanh; thì bên kia Watanabe cũng nổi tiếng mấy năm ròng làm nhà sản xuất âm nhạc, để đến nay sẵn sàng dựng hẳn một bộ Carole & Tuesday lấy âm nhạc làm cốt lõi.

Hai ông đều không ngán những chủ đề tội phạm, ma túy, khủng bố, tình dục, giới tính… Cowboy Bebop mở đầu bằng một phi vụ buôn “thuốc tăng lực”, thì Sarazanmai cũng ngang nhiên trưng bày vườn cỏ tự trồng tại gia của một nam chính vị thành niên. Zankyou no Terror của Watanabe theo chân bộ đôi tội phạm khủng bố, vừa vào phim đã đánh bom tòa thị chính Shinjuku như thể muốn gợi lại sự kiện 11/9; thì trước đó vài năm, Mawaru Penguindrum cũng được Ikuhara sáng tác dựa trên vụ khủng bố tàu điện ngầm Tokyo 1995 sau bao phen vất vả thuyết phục các nhà sản xuất. Không mấy anime trên thị trường bén mảng đến những vùng đất cấm mà Watanabe và Ikuhara đã đi qua.

Thêm một điểm mình thấy thú vị: cả hai đạo diễn này đều rất chịu trọng dụng nhân sự nữ. Nhắc đến Watanabe, người ta thường nhớ kèm nhà soạn nhạc Kanno Youko; còn 3 phim gần đây của Ikuhara đều là cơ hội cho nữ nhạc sĩ Hashimoto Yukari tỏa sáng. Khi bàn đến đạo diễn nữ, cũng Wanatabe và Ikuhara là những cái tên không thể thiếu. Penguindrum của Ikuhara là bệ phóng cho Nakamura Shouko, Yamazaki Mitsue, trong khi Samurai Champloo của Watanabe là điểm giao cắt quan trọng trong sự nghiệp của Yamamoto Sayo và Deai Kotomi.

Đấy là một số điểm giống, nhưng bàn về điểm khác… Watanabe và Ikuhara cũng khác nhau một trời một vực! Rất nhiều ý để kể ra không biết phải bắt đầu từ đâu, rồi mãi đến khi tình cờ đọc một bài tiểu luận trên trang Zzz Review, mình mới tìm được cái khung cụ thể để so sánh hai đạo diễn này. Bài tiểu luận nọ có tựa “Hiệu ứng Murakami: về hiểm nguy bị đồng hóa của thứ văn chương dễ chuyển ngữ”, trong đó giáo sư Stephen Snyder đặt vấn đề việc dịch thuật ảnh hưởng thế nào đến hình dung của độc giả quốc tế về văn học Nhật, đồng thời văn hóa bản xứ ở từng tác phẩm ảnh hưởng thế nào đến dịch thuật. (Một bài viết bổ ích nên mình sẵn sàng quảng cáo không công cho nó; xin nhấn vào link trên để đọc thêm.)

Snyder dẫn ra 2 trường hợp đối lập cho thấy rằng các tác phẩm dễ dịch của Murakami Haruki đã góp phần biến nhà văn này thành đại diện tiêu biểu của văn học Nhật Bản đương đại, dù rằng tiểu thuyết của Murakami không đại diện được cho lối viết tiếng Nhật lắt léo đậm dẫn chiếu văn hóa của nhà văn đồng hương sáng giá (nhưng không mấy người nước ngoài biết tới) là Mizumura Minae. Chính thế, đây là khoảnh khắc eureka giúp mình xếp gọn lại những quan sát lộn xộn của bản thân khi mỗi tuần đều chứng kiến sự đối nhau chan chát giữa Carole & Tuesday hôm trước và Sarazanmai hôm sau. Nói bằng ngôn ngữ anime: Watanabe ứng với Murakami, còn Ikuhara ứng với Mizumura. Trong tất cả những điểm khác nhau giữa các tác phẩm của Watanabe và Ikuhara, từ đây mình sẽ xoáy vào khía cạnh văn hóa & tính khả dịch, dựa trên cái nền là bài tiểu luận trên của Snyder.

Dịch thuật là một công tác vận tải, là những chuyến xe có khi trơn tru có khi tắc nghẽn, đi từ văn bản nguồn cho đến văn bản đích, băng qua biên giới của một ngôn ngữ, một văn hóa khác. Nhưng đó không phải là câu chuyện riêng của người tài xế/dịch giả, mà theo Snyder, ta còn có thể xét đến “diễn ngôn dịch thuật”, bao gồm sự tham gia của rất nhiều nhân tố cộng lại (biên tập viên, nhà xuất bản, nhà phê bình,…). Lẽ thường tác giả lo phần tác phẩm gốc, không dính dáng gì đến dịch thuật, song Snyder chứng minh rằng sự nghiệp toàn cầu của Murakami có được là một phần nhờ vào tính toán của chính tác giả: Murakami chủ động thay người dịch, thay người đại diện, thay nhà xuất bản, chủ ý dùng văn phong New Yorker để tiểu thuyết của ông được tạp chí này đón nhận khi ra mắt bản dịch…

Chẳng phải đội ngũ phim Watanabe cũng rất tích cực tiếp thị tác phẩm ra quốc tế? Ngay cả khi không theo sát toàn bộ phim Watanabe thì mình cũng từng nghe về con đường xuất ngoại suôn sẻ của nhiều phim ấy. Năm 2001, Cowboy Bebopanime đầu tiên được chiếu trong khung Adult Swim của kênh Cartoon Networks. Năm 2014, Space Dandy bắt đầu phát sóng trên Toonami ở bên Mỹ trước cả bên Nhật. Loạt phim cộng tác Mỹ-Nhật Animatrix (dựa trên series Ma Trận) cũng có một suất cho Watanabe tham gia. Đến nỗi mới vài năm trước, đạo diễn người Canada Denis Villeneuve còn biết tiếng mà liên lạc nhờ Watanabe làm anime ngắn Blade Runner: Black Out 2022 để song hành cùng tác phẩm Hollywood của ông là Blade Runner 2049. Tuy hiện tại Netflix tiếng Anh vẫn quen thói giam phim đến cuối mùa, nhưng việc Carole & Tuesday năm nay về tay Netflix hứa hẹn rằng một lượng lớn khán giả quốc tế sẽ tiếp cận được tác phẩm của ông. Thành công trước dẫn lối cho thành công sau, càng nhiều người biết đến thì các thảo luận càng xôm tụ, danh tiếng càng được củng cố.

Mặc định của mình là 2 đạo diễn trong bài viết này đều sản xuất ra những anime đạt chuẩn cao; nên thay vì tranh luận về chất lượng phim – một nhân tố chắc chắn giúp nhiều người mến mộ 2 ông – thì góc nhìn mà mình muốn ướm thử từ Snyder là làm sao “hiểu được cơ chế chính trị, kinh tế rộng lớn […] để hiểu được ảnh hưởng của chúng tới quy trình mỹ học”. Như người viết nọ chỉ ra, thành công của nhà văn Murakami đã khiến nhiều người Mỹ tò mò “ở quê nhà còn có ai như ông không?”, từ đó mở đường cho công cuộc xuất ngoại của nhiều nhà văn khác. Nhưng không dừng lại ở yếu tố bên ngoài như kinh tế, Snyder còn quay sang phân tích các nhân tố nội tại của tác phẩm ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy văn chương giữa Nhật Bản và các nước Anh ngữ, cụ thể: văn chương Murakami sinh ra để được dịch, nó có nhu cầu được dịch; còn tiểu thuyết của Mizumura, ngược lại, khăng khăng từ chối mọi nỗ lực dịch thuật.

Phim Watanabe sinh ra để được dịch còn phim Ikuhara sinh ra để làm khó người dịch. Đây chính là cảm giác của mình khi xem song song Carole & TuesdaySarazanmai mỗi tuần. Xét tựa đề, Carole & Tuesday là một tựa đẹp cứ thế bê nguyên qua tiếng Anh, trong khi cụm “Sarazanmai” từ đầu đã là một câu đố: tựa đề này được viết bằng chữ Hiragana càng chủ ý tạo sự mập mờ, đa diễn giải (nó có nghĩa là nhập định? 3 cái dĩa? mê đắm Sara? say mê dĩa? mà dĩa là ngụ ý gì cơ?), ai dám xớ rớ dịch qua tiếng Anh thì cầm chắc mất nghĩa. Tựa đề Sarazanmai cũng được giữ nguyên khi anime này được tiếp thị ra ngoài nước, nhưng đó là vì nó bất khả dịch.

Với Carole & Tuesday, không ít lần mình phải nhủ thầm “Xem phim này bằng bản lồng tiếng Anh thì hợp biết bao nhiêu”. Bài hát trong phim được soạn bằng tiếng Anh, do ca sĩ người nước ngoài thể hiện (không Engrish), tựa đề mỗi tập đều mượn từ tên một bài nhạc Anh-Mỹ nào đó (Born to run, Fire and rain…), các nhân vật khi nói chuyện sẽ nhắc về Bruno Mars, Motorhead. Alba là thành phố giả tưởng, nhưng trong vô vàn khả năng sáng tạo thì các nhà làm phim đã phú cho tác phẩm một không gian văn hóa đậm chất phương Tây trong lối sống, thời trang, ẩm thực… Văn hóa Á Đông nếu có trong phim, chẳng hạn buổi yoga luyện giọng hay hồ nuôi cá koi tại tư gia, sẽ được các nhân vật nhìn nhận như một thứ gì xa lạ, lạc lõng. Carole & Tuesday sinh ra là để được dịch trên Netflix; nói theo Snyder, từ trong bản chất nó đã “trôi vào dòng chảy văn chương dịch”.

Sarazanamai nằm ở thái cực ngược lại. Bộ phim khai thác triệt để các khía cạnh văn hóa của Nhật Bản, từ cảnh vật đời thực ở Asakusa cho đến truyền thuyết về loài yêu quái kappa. Người ta sẽ bớt bỡ ngỡ hơn chút nếu biết rằng những trò đổ nước lên đầu, đấu vật, ăn dưa leo, phương pháp móc “ngọc” thô bỉ không tin nổi trong phim vốn là sự phóng tác từ truyền thuyết (dị hợm) của người Nhật (hoặc nếu ai tình cờ có đọc truyện Kappa của nhà văn Akutagawa Ryunosuke thì cũng sẽ biết luôn hai phe kappa và rái cá vốn đã có tư thù từ lâu). Những màn chơi chữ diễn ra như cơm bữa, nụ hôn và con cá đục cùng chia nhau cách phát âm “kisu”, sự gần gũi và món mì cùng được gọi chung bằng một từ “soba”. Người ta có thể nói một từ nào đó, mà ngụ ý cùng lúc nhiều nghĩa.

Đã bàn ngôn ngữ thì cũng không thể không nhắc đến sự hóc búa của những dòng chạy chữ. Carole & Tuesday dọn đường sẵn cho dịch giả bằng việc chuyển ngữ các biển chữ trên màn hình qua tiếng Anh; trong khi đó dòng chạy chữ của chương trình Saratto Report trong Sarazanmai lại có điểm bất bình thường: tất cả đều được viết bằng phiên âm romaji. “Futsuu no ningen niha miemasen.” – Dòng chữ bắt đầu chạy ngay từ tập 1: “Người thường không thể thấy cái này.” Quả thật, “người thường” ở Nhật nếu chỉ quen đọc Hiragana, Katakana, Kanji thì khó mà theo kịp nghĩa của dòng chữ này. Đây là một trong vô vàn thử thách mà Sarazanmai thiết kế dành cho đối tượng chính của nó: người Nhật. Thao tác phụ đề chẳng hạn như dịch qua ngôn ngữ đích rồi dán đè văn dịch lên bản gốc sẽ xóa mất trò thử thách lém lỉnh này của phim, đó là còn chưa xét đến người dịch có đoán được ẩn ý che đậy nhiều lớp của tác giả hay không. Phim Ikuhara thường ăn điểm là ở tính đa nghĩa. Với Sarazanmai, dường như mỗi lần dịch là một lần mất.

Zankyou no TerrorMawaru Penguindrum cũng là một cặp phim thú vị khác của 2 đạo diễn này bởi chúng khá tương đồng về chủ đề khủng bố & tổn thương tinh thần của người Nhật, nhưng cách diễn đạt văn hóa lại rất khác nhau. Zankyou no Terror tạo ấn tượng như một phim hành động Hollywood, mượn tới những hình ảnh phổ quát như Sphinx, Oedipus. Ngay cả cách giải đố tìm bom, theo thiển ý của mình, cũng gợi liên tưởng nhiều đến kiểu tiểu thuyết ly kỳ giật gân Thiên thần và ác quỷ của Dan Brown. Ở phía còn lại thì Mawaru Penguindrum, như các bạn có thể đoán, đòi hỏi rất nhiều kiến thức văn hóa từ khán giả. Sau mấy năm, một số fan đã lọc ra vài ba cuốn sách giới thiệu đọc kèm với anime, từ Chuyến tàu đêm trên dải ngân hà của Miyazawa Kenji, cho đến Ngầm, Cậu ếch cứu Tokyo (trong tập Sau cơn động đất), Xứ sở diệu kỳ tàn bạo & chốn tận cùng thế giới của Murakami Haruki. Không ai ép khán giả phải đọc sách thì mới được xem phim, nhưng cái ta thấy được ở đây là trải nghiệm của một khán giả quốc tế sẽ rất khác so với khán giả Nhật có điều kiện tiếp xúc những văn bản này.

Giống như nam châm, văn hóa có thể sẽ đẩy khán giả đi nếu người ta không hiểu được nó, nhưng cũng sẽ hút khán giả lại trong những trường hợp kết nối thành công. Trùng hợp thay, tập 3 của Carole & TuesdaySarazanmai lại cung cấp cho mình ví dụ về sự dẫn chiếu văn hóa. Chương trình TV trong Sarazanmai tập 3 khi cần diễn tả nụ hôn đã nhại lại một bức tranh shunga thế kỷ 18 của Kitagawa Utamaro – cổ điển, đậm chất Nhật Bản, người Nhật chắc nhận ra. Còn Carole & Tuesday tập 3, trong lần 2 cô nữ chính đi cậy nhờ nhà giàu Ertegun, thì trưng lên tường một bức tranh phỏng theo Love is in the Bin của Banksy – một “tác phẩm” nóng sốt vài tháng trước, của làng nghệ thuật bên Tây, dân Anh-Mỹ mà xem tới đây chắc sẽ vô cùng thích thú. Sức mạnh của phép dẫn chiếu ở đây cũng minh họa cho sức mạnh của văn hóa: nếu ta nhận ra, ta thích thú; nếu ta không nhận ra, ta ngơ ngác, và trong vài trường hợp có khi còn lạc nhịp với tác phẩm.

(Fun fact: Carole & Tuesday có trang instagram ngoài đời bằng tiếng Anh, đăng cùng các hình tương ứng diễn biến anime, người đời có thể ghé qua xem thử. Sarazanmai cũng có twitter ngoài đời bằng tiếng Nhật cho hai anh cảnh sát, mốc thời gian diễn ra trước khi anime phát sóng, và dĩ nhiên cũng trở thành một nguồn cho các fan ham hố phân tích.)

Khi bài tiểu luận đi đến hồi kết, Snyder cảnh báo nguy cơ trỗi dậy của các nhà văn toàn cầu, những người cố tình loại bỏ dấu ấn văn hóa cản trở việc đọc-hiểu & mua sách của các độc giả khắp thế giới. Cũng là nguy cơ những thứ khác phải chịu định mệnh bị biến mất, bị ngó lơ, bị cào bằng. “Thị trường văn chương toàn cầu sẽ không có chỗ cho Barbara Pyms và Natalia Ginzburgs. Shakespeare sẽ phải hạn chế trò chơi chữ. Một Jane Austen mới cũng nên quên giải Nobel đi.”

Nhưng có phải khi cố đẩy Watanabe về văn hóa Mỹ và đẩy Ikuhara về văn hóa Nhật thì người viết là mình đang nhắm mắt làm ngơ trước Samurai Champloo, Sakamichi no Apollon của Watanabe lấy cảm hứng lịch sử Nhật, cũng như Shoujo Kakumei Utena của Ikuhara mượn nhiều thiết kế và phong vị châu Âu? …Ờ thì đúng vậy. Nếu thoát khỏi góc nhìn của Snyder, ta sẽ thấy rằng không thể đóng khuôn 2 đạo diễn này, cũng như thị trường anime có những đặc điểm rất khác biệt với thị trường sách vở, và thực tế rằng người viết lẫn người đọc post này đều là người Việt – chúng ta đứng ngoài cả Anh-Mỹ lẫn Nhật Bản, và khoảng cách văn hóa giữa ta với Carole & Tuesday hay Sarazanmai khó nói bên nào dài hơn. Những gì mình đang làm ở đây là dẫn dắt cho chúng ta, trong vài phút, hãy nhìn qua lăng kính Snyder, để thấy những yếu tố ngoài văn bản như kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ… có thể ảnh hưởng đến khoảng cách giữa khán giả và tác phẩm như thế nào, mà biết đâu lúc thường ta không để ý. Không chỉ áp dụng cho truyện Murakami hay Mizumura, phim Watanabe hay Ikuhara, mà là cho rất nhiều tác phẩm thuộc đủ loại hình thức mà ta tiếp xúc.

Đây là bài viết so sánh để thấy sự khác biệt, và ý nghĩa của những khác biệt đó. Carole & Tuesday tự khoác lên phông văn hóa phương Tây thân thiện, phổ quát để vươn tới nhiều khán giả thế giới. Sarazanmai thì lại hoan hô nét riêng biệt của văn hóa Nhật, ngôn ngữ Nhật, người Nhật, từ đó tạo thành cá tính riêng độc đáo. Tuy bài tiểu luận cảnh báo nguy cơ đồng hóa trong sáng tạo nghệ thuật, nhưng Snyder cũng đề xuất một cách tiếp cận vấn đề tinh tế hơn. Ông khuyến khích chúng ta nên hiểu giá trị của hai nhóm tư tưởng sáng tác và “hy vọng rằng cả hai sẽ tiếp tục tồn tại, cùng nuôi dưỡng nhau tiến về phía trước”. Nếu không có Murakami, sẽ rất khó hình dung nổi sự nghiệp văn chương dịch của những nhà văn Nhật khác. “Chúng ta nên chúc mừng và tìm cách khuyến khích cả hai.” Mình thích kết luận này của Snyder. Chúng ta nên khuyến khích những người như Watanabe Shinichiro – người thúc đẩy dòng chảy anime – lẫn những người như Ikuhara Kunihiko – người tạo ra những trở ngại kích thích cho dòng chảy và dám thách thức sự mờ nhạt của những tác phẩm toàn cầu hóa. Chúng ta nên khuyến khích cả Carole & Tuesday lẫn Sarazanmai, nhất là khi cả hai đều là phim hay.

Leave a Comment

Leave a comment