Skip to content

//MOOC// Giới thiệu về Duolingo

16.11.2016

Chúng ta hãy đổi gió bằng cách bàn về một thứ thật là lạc đề ở cái blog này: Duolingo.

Nói đơn giản, Duolingo là một chương trình học ngoại ngữ miễn phí. “Học”, “ngoại ngữ” và “miễn phí” đều là những từ khóa đặc biệt mà khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra tổ hợp âm thanh du dương trong đầu mình. Nên chẳng có gì quá ngạc nhiên: mình quyết định nhảy lên chuyến xe mang tên Duolingo.

Thật ra thì mình bắt đầu tìm hiểu Duolingo từ cuối 2014, sau đó đành dẹp trang này qua một bên đặng chừa thời gian theo đuổi lớp tiếng Nhật ngoài đời. Từ dạo ấy mình đã muốn để lại một bài review Duolingo làm kỷ niệm. Nhưng mình rùa bò đến nỗi bây giờ bỏ lớp tiếng Nhật rồi thì mới chịu  mở file word ra để mà viết về Duolingo, nơi mình học một thứ cũng lạc đề không kém bài viết này: tiếng Pháp.

Thôi chúng ta vào nội dung chính đi trước khi mình kịp cảm thấy dằn vặt và xấu hổ về bản thân.

Skill tree.jpg

MIỄN PHÍ

Lần đầu mình biết tới Duolingo là qua clip trên kênh Bigthink, và sau đó là TED talk, của nhà sáng lập Luis von Ahn. Von Ahn chia sẻ về cách anh đã giúp mã hóa hàng triệu cuốn sách nhờ chương trình reCAPTCHA: bằng thao tác nhận dạng các ký tự ngoằn ngoèo khi sign up trên mạng, ta thực chất đang hỗ trợ máy tính xác nhận ký tự từ một trang sách được scan, từ đó vô tình giúp chuyển một bản scan thành bản điện tử, đóng góp vào một kho ebook. Von Ahn cực kỳ hứng thú với ý tưởng tận dụng nguồn lực cộng đồng gián tiếp như vậy, và dự án tiếp sau reCAPTCHA của anh là Duolingo.

Ý tưởng đằng sau sự miễn phí của Duolingo là: ban đầu trang web sẽ dạy ngoại ngữ cho các học viên, sau đó các học viên có thể chọn dịch một số văn bản để luyện tập. Mỗi bài dịch ấy đều được nhiều thành viên còn lại đánh giá, vote, chỉnh sửa, để ra thành phiên bản sau cùng mà, tùy lúc, Duolingo đem bán lại cho các nguồn của bài gốc. Việc dịch bài để luyện tập là hoàn toàn không bắt buộc. Nhưng khi trang web có lượng thành viên tham gia lên đến hàng trăm triệu người, thì số người chịu dịch đủ nhiều, bản dịch cũng được biên tập chặt chẽ hơn, độ tin cậy tăng cao, và Duolingo đủ sức duy trì mà không cần đến quảng cáo hay mấy trò quấy nhiễu thường thấy ở những trang cần vốn tài trợ. Đó là những gì mình hiểu thông qua clip.

duolingo-real

Khi tham gia vào Duolingo, một thành viên thường có 3 nơi để quanh quẩn: (1) Trang Home gồm có chương trình học thiết kế dạng Skill Tree (cây kỹ năng). (2) Trang Discussion cho phép mọi người thảo luận, là một phiên bản diễn đàn mini. (3) Trang Immersion cho phép tham gia dịch bài, và nó có vẻ ngoài tự nhiên đến nỗi ngay cả khi đã xem clip của von Ahn, mình vẫn không thấy chút dấu vết “cần tiền” gì ở đây. Nguồn văn bản để dịch đa số là từ các trang Wikipedia, đôi khi có thể là đoạn trích trong sách. Rất nhiều văn bản này được các thành viên tự đăng lên vì muốn dùng giao diện Duolingo để luyện tập, chứ không hoàn toàn do bên Duolingo giao bài. Bản ngôn ngữ nguồn một bên, bản ngôn ngữ đích một bên, đơn vị dịch là từng câu. Với một bản dịch xong rồi, những người đến sau sẽ đóng vai editor để tiếp tục chỉnh sửa cho đến khi hoàn thiện. Trang Immersion này cũng khá đắt khách. Có rất nhiều văn bản mình vừa thấy đăng hôm trước thì hôm sau đã đổi trạng thái thành dịch xong.

duolingo-translate

NGOẠI NGỮ

Mình nghĩ người học Việt Nam đa phần biết đến Duolingo như một trang dạy tiếng Anh bằng tiếng Việt. Nhưng khi ta chọn dùng chính tiếng Anh để theo đuổi ngoại ngữ khác thì danh sách khóa học của Duolingo mới hiện ra phong phú và đáng thèm thuồng hơn. Học bằng tiếng Anh, chúng ta có cơ hội tiếp cận các ngôn ngữ muôn màu muôn vẻ. Vào thời điểm mình viết bài này (tháng 11/2016), trang web có 20 ngôn ngữ để chọn học, và 7 ngôn ngữ khác đang chuẩn bị chờ ngày ra mắt. Thậm chí các cộng tác viên người Việt đã đóng góp hẳn một khóa dạy tiếng Việt cho người dùng tiếng Anh, với hơn 300 ngàn học viên đăng ký.

Duolingo là một trang web còn tiếp tục lớn mạnh. Khi nói vậy thì ý mình là nó vẫn còn thiếu sót, mà một trong những thiếu sót nghiêm trọng nhất là không có khóa tiếng Nhật nào cả! Lần đầu bước vào Duolingo để tìm hiểu, mình cảm thấy bối rối, tự nhủ “nếu vậy hay là chọn phương án B”. Nhưng nó cũng chả có tiếng Hoa! Mình tạm giải thích cho tội ác này: ở bước đầu phát triển, Duolingo tập trung vào các ngôn ngữ châu Âu nơi thu hút đông đảo đối tượng người học chính, cũng là để lợi dụng sự thuận tiện của bảng chữ cái Latinh, đỡ mắc công người ta tập gõ bàn phím mới. Về sau, khi người học chịu khó hơn, những ngôn ngữ để lựa chọn mới đi xa xa được ra tới Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, hay trong tương lai gần, tới Ấn Độ và Hàn Quốc.

russian-motor

Việc chọn học ngôn ngữ mới ở Duolingo rất dễ dàng: qua vài cú nhấp chuột. Chúng ta không buộc phải cam kết học tới nơi tới chốn. Nên chỉ cần dành chút thời gian, ta có thể cưỡi ngựa xem hoa qua hàng dài ngôn ngữ, và nếu may mắn, sẽ len lén nhìn trộm được ảnh hưởng của ngôn ngữ lên cách tư duy của các dân tộc. Điều này vốn khó thực hiện ngoài đời, do việc tìm hiểu thứ tiếng mới thường đồng nghĩa với chọn lớp, đóng tiền, theo học đủ khóa,… Ở Duolingo, bản thân mình cũng đăng ký một loạt nhiều ngôn ngữ cho biết đó biết đây, song 95% thời gian lên trang web cũng chỉ học tiếng Pháp là chính. Mình tạm hài lòng với “phương án C” này.

list-courses

HỌC

Duolingo áp dụng lối học được game hóa để tạo sự hứng thú cho học viên. Có cả một thuật ngữ cho phương pháp này: Gamification. Đại khái, Duolingo áp dụng cách thiết kế của game cho việc học, sử dụng hệ thống điểm kinh nghiệm, lên level, trao đổi bằng tiền ảo “lingot”. Hồi mình mới đăng ký thì có vụ mỗi người được 3 trái tim để học một lesson, mỗi lần trả lời sai một câu thì rớt mất một trái tim, hết tim thì bị trả về trang Home. Trò đó sau này được thay bằng progress bar: trả lời đúng thì ống progress tăng dần cho đến đích, trả lời sai thì ống thụt lùi lại một chút. Mình thích progress bar hơn, vì như vậy người ta càng có can đảm trả lời, có thể đưa ra 10 đáp án sai mà vẫn còn cơ hội gỡ gạc để hoàn thành lesson. Bài học đi dần từ cơ bản đến nâng cao dọc theo cái gọi là “Skill Tree”, mỗi lần học được một chủ đề, ta unlock được chủ đề đằng sau nó.

Với cái mánh game hóa này, Duolingo rất hiệu quả trong việc giữ chân người học. Mà sự kiên trì về lâu về dài luôn là lợi thế khi học ngoại ngữ. Một điểm rất tốt ở Duolingo là thách thức “giữ streak”, tức là trang web tạo đủ mọi điều kiện, thống kê, phần thưởng để khuyến khích ta duy trì số ngày học liên tục. Trước khi gác kiếm để chuyển qua tiếng Nhật, mình từng kéo được cái streak Duolingo đâu đó 160 ngày. Mà lại phải khen, vì Duolingo là một trang mạng luôn mở rộng cửa,  nên lúc nào mình cũng có thể dễ dàng quay lại để học tiếp phần tiếng Pháp dang dở (mà với tiếng Nhật ngoài đời thì khó khăn hơn, mình vẫn đang chờ khóa mới…)

duolingo-lingots

Rồi đây, nội dung bài học: lấy ví dụ khi mình click vào chủ đề Các mẫu câu xã giao cơ bản trên Skill Tree, mình sẽ được đưa về trang của chủ đề, có kèm bảng tổng hợp Tips & notes và 2 bài học chính.

italian-common-phrases

Khi click vào bài học, mình sẽ phải “chiến đấu” với chừng 20 câu hỏi luyện tập. Các câu hỏi này thuộc nhiều thể loại: dịch câu qua lại giữa hai ngôn ngữ, đánh trắc nghiệm, tự thu âm, nghe viết,… Kiến thức được lồng ghép vào ngay trong câu hỏi: khi đụng những từ vựng, ngữ pháp mới, ta có quyền di chuyển chuột đến nội dung mới đó, và phần hướng dẫn sẽ hiện ra. Ngay cả trả lời sai cũng là một cơ hội học hỏi, vì máy sẽ chỉ ra chỗ sai của ta (mà như đã nói, progress bar giúp ta can đảm trả lời hơn, từ đó, học nhiều hơn). Mà nếu đến notes, correction cũng không khai sáng ta được, thì ta vẫn còn trợ giúp “Discussion Sentence” ngay bên dưới câu hỏi, nơi các bạn học từ khắp mọi miền thế giới tề tựu về bình luận, giải đáp thắc mắc giùm cho ta.

german-translate-speakgerman-grammar-shegerman-nounsgerman-discussion

Như vậy, mình nghĩ thế mạnh của Duolingo là nó giúp người ta ráp câu. Cũng một điểm ngữ pháp đó mà Duolingo xáo trộn các từ vựng trong kho ra vô số câu khác nhau để hỏi, nhiều lúc đọc lên rất ngớ ngẩn, nhưng nó cho phép ta linh hoạt theo cùng.

Duoling còn có cả ứng dụng học trên điện thoại cho iOS và Android (thậm chí được bình chọn là ứng dụng xuất sắc năm 2013). App của Duolingo còn có bổ sung thêm một số dạng câu hỏi khác, âu cũng nhằm làm cho việc học bớt đơn điệu.

screenshot_2016-09-17-20-25-04 screenshot_2016-08-15-12-43-06

Rồi bây giờ chúng ta sẽ đề cập đến câu hỏi đáng sợ nhất mà mình ráng chừa tới cuối cùng: Học ở Duolingo có hiệu quả hay không?

Mình thì cũng gọi là có kinh nghiệm trong việc học ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Theo chỗ mình thấy, Duolingo có rất nhiều, rất nhiều điểm yếu. Số lượng câu hỏi do máy tính tạo ra tuy có vẻ vô hạn, nhưng luôn phải dựa theo khung nghĩa đã định sẵn, và cũng vì là hàng ngẫu nhiên của máy soạn, mà nhiều câu để học gần như vô dụng trong tình huống đời thường. Việc bị rứt khỏi ngữ cảnh càng tô đậm tính thiếu thực tiễn này. Chúng ta không có đoạn văn, chỉ quanh quẩn ở đơn vị câu, từ. Ý tưởng dịch bài (Immersion) là ý tưởng bổ sung lý thú, nhưng nó không được hệ thống hóa như trang khóa học. Duolingo đa dạng một cách khô khan cứ như là học Toán ấy. Mỗi câu hỏi đều kèm theo audio máy đọc nghe đỡ ghiền, chứ thật ra không thể trông mong gì ứng dụng kiến thức Duolingo vào giao tiếp. Ở đây, chỉ có ta tương tác với cái máy, hơn là con người.

Tuy nhiên, mình sẽ không bỏ công sức giới thiệu quá dài dòng thế này cho một thứ vô ích. Mà mình nghĩ chúng ta có thể điều chỉnh lại những kỳ vọng về hiệu quả. Cũng giống như, mình sẽ không bao giờ đưa ra được một lý do vì sao mình học tốt tiếng Anh. Có quá nhiều lý do. Mình không đánh cuộc thành quả học tập của mình vào một cuốn sách, một giáo viên, một khóa học, hay một chương trình. Điều mình vẫn luôn làm là thử qua nhiều phương pháp, đánh giá đúng điểm mạnh và yếu của của các phương pháp ấy, rồi chọn ra một tổ hợp có vẻ áp dụng được cho mình vào thời điểm hiện tại. Xét theo ý ấy, giả dụ các bạn đang thèm khát khả năng giao tiếp để đi du lịch, thì mình nghĩ Duolingo không phải là lựa chọn tốt. Còn lại, nếu thấy cái trò học tập giải trí dài ngày này có vẻ dễ chịu, thì Duolingo lại hóa hay ho. Dẫu gì thì cái hệ thống Duolingo xây dựng được cũng rất kỳ công. Không chỉ việc thay hearts bằng progress bar, qua thời gian dùng trang web này, mình còn có thể nhận thấy nhiều cải tiến tinh vi khác. Duolingo là một công cụ, cũng là một mảnh ghép, có thể không hợp với người này nhưng sẽ có ích cho người khác.

A, còn nếu ai hỏi về mình thì thiệt ra mình học không có hiệu quả mấy :”>. Ý định ban đầu của mình chỉ là coi thử Duolingo tròn méo ra sao thôi. Do đang trên đường tìm về phương Đông nên với mình thì tiếng Pháp và văn hóa Pháp chưa được quan tâm. Mình không muốn khen Duolingo lắm vì nó không đáp ứng được nhu cầu hiện tại của mình, nhưng cái trang dễ thương quá làm mình cứ ghé qua dài dài. Và lần này mình đã thỏa nguyện viết xong bài giới thiệu để làm kỷ niệm đăng lên đây.

From → Full, MOOC, Review

6 Comments
  1. 4H. permalink

    Mình thấy cái giao diện của nó khá được chăm chút đó chứ, trông hay hay, tạo cảm hứng học bao nhiêu, à, mình nhớ là năm ngoái mình thấy khóa tiếng Nhật rồi hay sao đó mà! :D

    Like

    • sangeld permalink

      Uhm cái giao diện xinh tươi mát mắt cũng là điểm đáng khen. Duolingo đúng là rất giỏi trong việc dụ dỗ và níu kéo người dùng.

      Còn khóa để học tiếng Nhật thì đâu có đâu :( Mình chỉ thấy có khóa dạy tiếng Anh cho người Nhật thôi à :(

      Liked by 1 person

  2. E cũng đã từng học trang này được gần một năm rưỡi nhưng vì một chút sơ suất e làm mất hết năm trăm mấy ngày streak của em. Bây giờ e không có động lực học lại trang này lần nữa :3

    Like

    • sangeld permalink

      Ờ vậy kể ra cái streak cũng có điểm bất lợi hen, chỉ hợp để nhử người ta học lúc đầu thôi…

      Like

Trackbacks & Pingbacks

  1. Nhật ký học ngoại ngữ (1) – Sangeld's blog

Leave a comment